Published

on

Hội thảo: Từ Thách thức đến Thích ứng – Quản lý rủi ro về nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu đã diễn ra trong 2 ngày tại đại học RMIT với hơn 100 người tham dự từ các tổ chức và cơ quan của các ngành đang sử dụng và quản lý nước ở Việt Nam.

Đây là một hoạt động thuộc dự án Water Stewardship Vietnam từ tổ chức Water Stewardship Asia Pacific và được sự hỗ trợ của chính phủ Úc thông qua Cơ Quan hợp tác ngành nước Australia Water Partnership.

Chương trình hội thảo gồm 3 cấu phần chính: Phiên hội nghị toàn thể, Hoạt động mô phỏng mối liên hệ Nexus giữa Nước – Năng lượng – Lương Thực, và Hoạt động thực hành quản lý nước theo lưu vực theo khung quản lý nước bền vững (water stewardship)

Phiên Hội Nghị Toàn Thể cung cấp tổng quan các khái niệm, vấn đề, rủi ro và các khía cạnh xã hội về quản lý nước trong bối cảnh Việt Nam. Các chia sẻ về các điểm mới trong Luật Tài Nguyên Nước và Luật Cấp Thóat Nước giúp chính quyền địa phương và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về xu hướng thực hiện chính sách và vai trò của họ trong việc tham gia quản lý, đặc biệt với các điểm bổ sung về hướng tiếp cận về quản lý nước theo lưu vực.

Năm 2024, bộ TNMT sẽ hoàn thành các quy hoạch tổng hợp các lưu vực sông lớn trên cả nước nhằm định hướng quản lý nước theo nhu cầu sử dụng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, từ việc thực hiện quản lý và phát triển chính sách ở cấp chính quyền địa phương đến việc điều chỉnh nhu cầu sử dụng nước và ứng dụng các giải pháp sáng tạo để tiết kiệm nước & năng lượng từ phía doanh nghiệp theo các dữ liệu về quy hoạch cần các khung hợp tác hệ thống hơn, hệ thống phát triển chính sách linh động và có sự tham gia chủ động hơn từ doanh nghiệp.

Hợp phần về Mô Phỏng Mối liên hệ Nexus giữa Nước – Năng lượng – Lương Thực giúp kết nối khái niệm quản lý quản lý nước bền vững thông qua hoạt động tương tác giữa các bên sử dụng nước, người tham gia chọn các nhân vật khác nhau để tương tác, từ các bên sử dụng nước chính (nông nghiệp, công nghiệp, năng lượng, đô thị) đến các bên có tác động gián tiếp đến quản lý (cơ quan quốc tế, CSO, NGO, báo chí), từ đó phân tích sự phức tạp trong việc chia sẻ nguồn tài nguyên có giới hạn và khả năng hệ sinh thái tự nhiên dễ dàng bị sụp đổ và khó hồi phục nếu chỉ tập trung vào một số hoạt động sản xuất mà thiếu sự quản lý toàn diện.

Hoạt động thực hành quản lý nước theo lưu vực theo khung quản lý nước bền vững (water stewardship) giúp người tham dự đã ứng dụng các nội dung chia sẻ từ 2 hợp phần mang tính khái quát vào bối cảnh riêng của họ. Người tham dự được hướng dẫn để từng bước đưa các nguyên tắc quản lý nguồn nước bền vững thông qua bảng tiêu chuẩn về quản lý nước bền vững của AWS vào lưu vực tương ứng với địa bàn hoạt động của tổ chức.

Buổi hội thảo kết thúc với sự kết nối của người tham dự từ các nhóm sử dụng nước khác nhau cùng cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về nhu cầu khác nhau của các bên trong việc quản lý rủi ro về nước.